Đắk Lắk: “Dự án xây dựng khu dân cư thôn 11”, làm thế nào để yên lòng dân

 

Dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư Thôn 11,ĐắkLắkDựánxâydựngkhudâncưthônlàmthếnàođểyênlòngdâ xã Hoà Thắng” do Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột, Vũ Văn Hưng ký duyệt ngày 28/9/2022. Mục tiêu ghi rõ: “Xây dựng hoàn chỉnh khu dân cư, các tuyến đường theo quy hoạch của thành phố, đáp ứng nhu cầu giao thông trong đô thị…Tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố từ nguồn bán đấu giá quyền sử dụng đất của các lô đất thuộc khu vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng”. Dự án có tổng mức đầu tư 81 tỷ 732 triệu đồng.  Do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng thành phố thực hiện, sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Không ít người vui mừng, vì ở một thôn của xã vùng ngoại ô, được hưởng lợi từ một dự án xây dựng cơ sở hạ tầng với  lưới điện, đường giao thông, gạch lát vỉa hè và hệ thống chiếu sáng rất bài bản này. Tuy nhiên, nhiều gia đình lại lo lắng khi mà tiền của, công sức hàng chục năm tạo dựng nên những căn nhà, vườn ươm cây giống của mình sẽ bỗng nhiên biến mất do giải tỏa, thu hồi.

Ngày 8/4/2024, UBND TP Buôn Ma Thuột ra kế hoạch số 93, về: Điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đến để thực hiện dự án này. Theo đó, sẽ thu hồi 6,62 ha (66.200 mét vuông) nơi hiện 48 hộ đã làm nhà ở, trong đó 29 hộ sử dụng quyết định cấp đất của Tổng Giám đốc Liên hiệp Ea Súp từ những năm 1988.

Gần đây, ngày 15/4/2024, tại UBND xã Hòa Thắng diễn ra cuộc họp: Thông qua kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng của dự án. Biên bản cuộc họp, mục đại diện số hộ dân bị ảnh hưởng tham gia  lại để trống, không ghi bao nhiêu người tham gia. Trớ trêu, kết luận biên bản lại ghi: “Các hộ dân bị ảnh hưởng trong khu vực giải phóng mặt bằng và các đơn vị có liên quan thống nhất kế hoạch về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của UBND thành phố để thực hiện dự án: Xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư thôn 11”

Bà Võ Thị Sinh (70 tuổi) rất bức xúc khi mình không được thông báo để tham dự cuộc họp này. Bà Sinh cho biết gia đình đã sinh sống ở đây trên 35 năm. Từ năm 1988 bà  được Liên hiệp Lâm Công nghiệp Ea Súp cấp giấy phép sử dụng đất. Khu đất hiện tại của gia đình bà Sinh có diện tích 1.820 m2, trong đó bao gồm đất ở nông thôn và đất trồng cây lâu năm. Hiện tất cả diện tích này đều nằm trong diện thu hồi.

Bà Sinh rân rấn nước mắt: nếu dự án triển khai, gia đình biết ở đâu, làm gì để sinh sống: “Nếu mà Nhà nước tổ chức thu hồi  thì cũng phải rõ ràng cho dân biết. Phải công bố dự án như thế nào để dân biết rõ. Dân chấp hành, nhưng phải công bằng. Bọn tôi ở đây mấy chục năm rồi thì bảo là giải tỏa, mất trắng. Nguyện vọng của tôi là  nếu mà làm đúng thì dân chúng tôi sẽ chấp hành".

Gia đình chị Nguyễn Thị Thuỷ làm nghề ươm cây giống hàng chục năm nay. Khu đất này cũng được  Liên hiệp Lâm Công nghiệp Ea Súp cấp giấy phép sử dụng đất từ năm 1988. Hiện tại cả nhà ở và vườn ươm cây giống của chị Thủy là 2.513 m2. Tất cả đều nằm trong diện bị giải tỏa, thu hồi: “Tôi thấy mọi người đã đi đo đạc, nhưng mà tôi chưa được đi họp. Chưa có một cuộc họp nào cho dân biết được là đo đạc này để làm cái gì? Chúng tôi yêu cầu lãnh đạo thành phố trả lời cho dân biết được là quy hoạch này là quy hoạch gì?”.

Ông Nguyễn Văn Khai (sinh năm 1964) rất bức xúc với việc triển khai các bước của dự án nên đã có đơn kêu cứu gửi lên các cấp. Gia đình ông Khai có 874 m2 đất, đã làm nhà ở và vườn ươm cây giống. Ngôi nhà và khu đất ươm cây giống của gia đình chưa được cấp sổ đỏ nên khi giải tỏa chỉ được đền bù theo diện hỗ trợ, tức chỉ một khoản tiền rất nhỏ so với giá trị thực tế.

Ông Khai cho rằng: "Những người đi đo đạc, kiểm đếm đều lạ mặt và không có chính quyền đi cùng, nên nhiều hộ không  hợp tác. Bây giờ người ta cứ đi kiểm đếm như thế. Tôi hỏi, nhưng họ bảo: Cháu đi làm thuê. Thế bây giờ  phải trả lời là như thế nào? Phải có giấy báo cho chúng tôi biết để tôi ở nhà, rồi anh đến kiểm định. Và người đi làm là phải có giấy tờ đàng hoàng. Đây không có gì cả, còn bảo cháu đi làm thuê! Ai thuê, có phải của xã không?- Không! Có phải của tỉnh không? Cũng bảo là không!”.

Anh Phạm Trường cho biết, tại cuộc họp ở UBND xã Hòa Thắng ngày 15/4 anh đã phát biểu, đề xuất nguyện vọng của gia đình mình là phải có đất  tái định cư khi 1.494 m2 đất đang sinh sống đều diện bị thu hồi. Nhưng ý kiến của anh Trường không được ghi vào biên bản, cũng như không được ông Trương Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố, chủ trì cuộc họp trả lời thỏa đáng: “Chúng tôi đề nghị là họp lại. Và dân cần có đối thoại với người có thẩm quyền để làm rõ về tính minh bạch của dự án này. Thu hồi để triển khai dự án, dự án này là dự án gì? Công ích cho nhà nước? Hay là dự án thương mại, thì phải rõ ràng, minh bạch và công bằng cho dân.”

Dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư Thôn 11, xã hòa Thắng” với tổng mức đầu tư 81 tỷ 732 triệu đồng. Trong đó gần 22 tỷ đồng  dành cho việc đền bù để có 6,62 ha đất sạch. Số còn lại tập trung cho việc san đất, xây dựng đường điện, hệ thống chiếu sáng, làm đường, lát vỉa hè. Những người dân trong diện bị giải tỏa, thu hồi đất cho rằng: Đây chỉ là một hình thức hợp thức hóa, phân lô khu đất 6,62 ha để bán đấu giá?.

Chiều 28/5, khi làm việc với chúng tôi về vấn đề “Đơn kêu cứu khẩn cấp” của các hộ dân ở thôn 11 xã Hòa Thắng, ông Lê Đại Thắng, phó Chủ tịch UBND Thành phố Buôn Ma Thuột, cho rằng:  Các bước triển khai của dự án đều đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên đây mới chỉ là kế hoạch bước đầu, còn để thực thi dự án thì cả một quá trình. Về “Đơn kêu cứu khẩn cấp” của các hộ gia đình trong diện bị giải tỏa thu hồi đất, ông Lê Đại Thắng nói: “Nếu cuộc họp không đảm bảo quy định thì quan điểm của UBND thành phố là tổ chức lại. Công khai thông báo cho người dân biết về chủ trương chế độ chính sách  của nhà nước. Còn bà con làm đơn, nói là bây giờ người dân ở ổn định rồi, sao không  điều chỉnh quy hoạch để cấp đất cho người dân? Nhưng bây giờ quá trình phát triển thành phố, đòi hỏi phải có quy hoạch cho đồng bộ chứ”.

Những người dân trong diện bị giải tỏa, thu hồi đất để triển khai dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư Thôn 11, xã Hòa Thắng” mong muốn có sự  đối thoại trực tiếp, rõ ràng giữa họ với người có thẩm quyền của thành phố. Để tạo ra sự đồng thuận, nhất là về lợi ích kinh tế. Có như vậy dự án mới hết bất an.