Lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc đến bạn trẻ Cơ Tu

Yêu thích và đam mê văn hóa dân tộc,ỏatìnhyêuvănhóadântộcđếnbạntrẻCơ chàng trai Cơ Tu - Pơ Loong Phước ở huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đã học đàn, hát và tìm hiểu, chế tác nhiều loại nhạc cụ truyền thống, phục vụ văn hóa, văn nghệ tại cộng đồng.

Pơ Loong Phước ở thôn Ga Lêê, xã Tà Bhing, huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam năm nay 29 tuổi nhưng đã có hơn 10 năm kinh nghiệm tham gia các hoạt động văn hóa tại cộng đồng. Hiện Phước đang sở hữu các loại nhạc cụ truyền thống, trong đó, nhiều loại nhạc cụ Cơ Tu gần như thất truyền được anh chế tác, phục dựng. 

Pơ Loong Phước mong muốn lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống đến nhiều bạn trẻ để cùng chung tay gìn giữ các giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu.

Pơ Loong Phước chia sẻ, tuổi thơ của anh tuy có nhiều khó khăn, vất vả, nhưng lại được đắm chìm trong những câu hát lý, làn điệu dân ca, lời ru mượt mà của ông bà, cha mẹ. Pơ Loong Phước nhớ lại, ngày còn bé, anh thường theo ông, theo cha đến Gươl làng để nghe các cụ đàm đạo, nói lý, hát lý. Những ngày làng có hội, Phước lại được đắm mình trong tiếng sáo du dương, tiếng đàn réo rắt của các chàng trai gửi gắm nổi nhớ thương, mong chờ tới người con gái mình yêu. Niềm đam mê và tình yêu văn hóa dân tộc cứ thế lớn dần trong Phước theo năm tháng, đặc biệt là với các loại nhạc cụ dân tộc Cơ Tu.

Theo Pơ Loong Phước, mỗi loại nhạc cụ có nét độc đáo riêng. Muốn có một nhạc cụ hoàn chỉnh, âm thanh hay, đòi hỏi người chế tác phải có kỹ thuật, kinh nghiệm cùng sự kiên trì, chịu khó mới làm và chơi được: “Trước đây, tôi tìm đến các nghệ nhân, già làng, những người am hiểu nhạc cụ để học thổi sáo, đánh đàn rồi hỏi cách chế tác. Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của các nghệ nhân, tôi chế tác được nhiều loại nhạc cụ. Có những loại nhạc cụ các nghệ nhân cũng chỉ nghe nói chứ chưa làm, nhưng qua lời kể, tôi mày mò làm theo cũng cho ra kết quả. Vì thế, các loại nhạc cụ tôi làm đều gần sát với nguyên bản của nó”.

Đam mê văn hóa và chịu khó học hỏi, hiện Pơ Loong Phước biết chơi và chế tác nhiều loại nhạc cụ Cơ Tu như: Khèn, Abel, n’jưl, sáo, đàn 2 dây, tâm bhréh, cr’dool… Anh cũng là giọng ca trẻ hiếm hoi biết hát các điệu dân ca như: K’lới, cha chấp, ba booch, nói lý, hát lý.

Theo ông Hôih Cooi, người am hiểu văn hóa Cơ Tu ở xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, Pơ Loong Phước có năng khiếu về đàn hát nên học cái gì cũng nhanh: “Ngày nhỏ, nó hay theo tôi học thổi sáo, đánh đàn và chế tác các loại nhạc cụ truyền thống. Nó thông minh lắm, tôi hay bảo nó cố gắng học hỏi để bảo tồn văn hóa mình rồi truyền dạy cho các bạn trẻ trong làng. Tôi mừng lắm! cái gì nó cũng biết, cũng học được hết, kể cả hát lý, nói lý khó vậy mà nó cũng biết”.

Pơ Loong Phước hiện là cây văn nghệ chủ lực trong Câu lạc bộ Dân ca, dân vũ xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, thường xuyên có mặt tại các kỳ liên hoan văn hóa trong tỉnh và khu vực. Ông Bríu Thương, Giám đốc HTX Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu huyện Nam Giang cho biết, Pơ Loong Phước là thành viên tích cực của Hợp tác xã tham gia giới thiệu, quảng bá văn hóa Cơ Tu đến du khách gần 10 năm nay: “Pơ Loong Phước là thành viên vừa am hiểu văn hóa lại rất tích cực trong mọi hoạt động của hợp tác xã. Bất cứ khi nào Hợp tác xã cần, Phước đều nhiệt tình hỗ trợ. Bản thân tôi thấy, Phước không chỉ phát huy được sở trường mà còn lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống đến nhiều bạn trẻ trong làng. Qua đây, tôi mong nhiều bạn trẻ biết quý trọng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, góp phần phục vụ du lịch cộng đồng, tăng thu nhập bền vững”.  

Ở tuổi 29, Pơ Loong Phước được xem là hạt nhân kế tục văn hóa Cơ Tu ở huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, địa phương rất coi trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài tranh thủ sự trao truyền của các già làng, nghệ nhân, địa phương tạo điều kiện để các bạn trẻ được tham gia các chương trình, lễ hội văn hóa do huyện và tỉnh tổ chức. Huyện Nam Giang còn tranh thủ nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư phục dựng, tổ chức các lễ hội văn hóa, trong đó, có công tác đào tạo nguồn nhân lực văn hóa.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, đây là cơ hội cho các bạn trẻ đam mê văn hóa truyền thống như Pơ Loong Phước phát huy sở trường, năng khiếu, góp phần gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số tại địa phương: “Điểm sáng trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Nam Giang là thành lập được các Câu lạc bộ Dân ca, Dân vũ của các dân tộc thiểu số, điển hình như tại xã Tà Bhing. Tại đây, từ người già tới thanh niên đều tham gia nhiệt tình và tâm huyết với các hoạt động văn hóa. Tới đây, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 1719 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, có Dự án 6 và Tiểu dự án 2 về phát huy và bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch để đầu tư phục dựng cũng như đào tạo các nguồn nhân lực văn hóa trẻ trên địa bàn”.