Quảng Nam xây dựng nhiều mô hình giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế

Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất nông,ảngNamxâydựngnhiềumôhìnhgiúpđồngbàoDTTSpháttriểnkinhtế lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị (Dự án 3)trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh các mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi, tạo bước chuyển trong công tác giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, đời sống bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên, hàng ngàn hộ dân có thu nhập ổn định.

Trước đây, ông A Lăng Minh, người dân tộc Cơ Tu ở xã Sông Kôn, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống chật vật. Vợ chồng ông Minh lên rừng làm rẫy rồi trồng thêm cây keo lai nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám. Ông A Lăng Minh đi nhiều nơi học hỏi cách làm ăn, tìm hiểu các mô hình kinh tế. Sau đó, ông Minh mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội; Uỷ ban Mặt trận huyện, Hội Nông dân hỗ trợ giống cây trồng, giúp ông đầu tư xây dựng trang trại trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi.

Hiện nay, trang trại của ông A Lăng Minh có hàng trăm cây mít, chôm chôm, xoài, cam và bưởi da xanh cùng đàn heo, bò phát triển tốt. Ông A Lăng Minh cho biết: “Trước đây gia đình khó khăn, nhờ có Nhà nước quan tâm, Hội Nông dân hỗ trợ vay vốn nâng cấp thêm khu trang trại. Tôi dự định vay thêm 100 triệu đồng để làm hàng rào mở rộng trang trại khép kín. Cuộc sống hiện tại so với trước đây đỡ hơn nhiều và khá hơn”.

Huyện miền núi cao Đông Giang, tỉnh Quảng Nam có trên 78% dân số là đồng bào Cơ Tu. Mấy năm trước, đồng bào Cơ Tu huyện miền núi Đông Giang chủ yếu sản xuất nông nghiệp theo tập quán cũ. Được các cấp chính quyền từ huyện đến tỉnh quan tâm hỗ trợ, bà con đã biết cách làm ăn, vượt khó làm giàu, hiện nay không còn hộ đói. Huyện Đông Giang đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.  

Ông A Vô Tô Phương, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết “Trong các năm qua, Đảng bộ và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm thực hiện công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức, qua nhiều chương trình của Chính phủ, của tỉnh hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt là hỗ trợ về phát triển sản xuất, con vật nuôi. Huyện đang tập trung rà soát lại tất cả các quỹ đất để tích tụ đất đai, mời gọi thu hút các doanh nghiệp về đầu tư, liên kết với bà con nông dân để phát triển sản xuất".

Những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam giảm dần qua hàng năm. Ông Hà Ra Diêu, Phó Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo chiếm 36%, đến nay giảm còn 26,7%.

“Hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh đều tổ chức tập huấn cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số về trồng trọt, chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm. 230 thôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều có các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Năm 2023, hơn 142 tỷ đồng được đầu tư cho 70 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cho 230 thôn. Đây là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Trung ương hỗ trợ là 85%, tỉnh, huyện hỗ trợ thêm 15%", ông Hà Ra Diêu nói.